Pháp được Phật khai thị là gì?
Pháp mà đức Thế Tôn khéo tuyên thuyết, khéo khai thị (Svākhāto Bhagavatā Dhammo) là có thể thấy ngay (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), trở về mà thấy (ehipassiko), ngay trên thực tại (opanayiko), mà bậc trí mỗi người đều có thể tựchứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi).
Thấy ngay (Sandiṭṭhiko):
Thấy ngay vì Pháp được đức Thế Tôn chỉ thẳng là thực tại hiện tiền – đang trình hiện ngay đây. Nó hiển nhiên đầy đủ mọi yếu tính như nó đang là, nhưng ai còn nhiều bụi trong mắt không thể nào thấy được. Với người ít bụi trong mắt Đức Phật chỉ đánh thức tánh biết nơi họ thì họ lập tức trực nhận Sự Thật. Bụi trong mắt chính là khái niệm, tư tưởng, quan niệm chủ quan trong lý trí mỗi người.
Không qua thời gian (Akāliko):
Pháp là thiết thực hiện tại nên không cần phải trải qua thời gian mới tìm thấy, cũng không cần mong cầu trở thành hay nỗ lực tu luyện để đạt đến ở tương lai. Vậy tại sao tu lại cứ mong cầu sở đắc? Như tu để đạt Niếtbàn, để thành Chánh quả, để cầu giải thoát, để mong siêu sinh về cõi vĩnh hằng… Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của bản ngã được phóng chiếu vào tương lai, đòi hỏi thời gian để vươn tới, không phải là thiết thực hiện tại, nên càng mất thời gian để vươn tới càng xa rời Pháp Thực Tại Hiện Tiền. Thiền Tông có câu: “Cước căn bất điểm địa”. Ví như cái quạt trần đang thấy đó mà còn ngoài tầm với, nhảy lên để với thì chân hổng đất mà vẫn chưa với tới, huống hồ là Niết-bàn trong tưởng tượng thì làm sao mà với tới được. Thế nhưng nhiều lúc tu lại là nỗ lực với bắt cái mà mình không thực biết là gì. Bỏ quên chỗ thực đang trải nghiệm ngay đây để nỗ lực tìm cầu cái mục tiêu trong ảo tưởng nên mới hổng chân. Đó chính là bản ngã đang tạo ra thời gian chỉ để lãng phí vô ích trong khi Pháp thì thấy ngay không qua thời gian.
Trở lại là thấy (Ehipassiko) ngay nơi thực tại đang là (Opanayiko):
Vì Pháp là thực tại hiện tiền ngay nơi thân-thọ-tâm-pháp nên không cần phải tìm kiếm mà chỉ cần trở về nhìn lại thực tại là thấy ngay. Như người đang ở trong nước, đừng ngóng vọng đâu xa để tìm nước mà chỉ cần nhìn lại ngay đó là thấy. Sinh tử luân hồi hay tịch tịnh Niết-bàn thì cũng chỉ trở về ngay nơi thân một trượng này mà thấy, như Đức Phật đã dạy.
Người trí tự mình chứng ngộ (Paccattaṃveditabbo Viññūhi):
Vì Pháp hiển hiện ngay nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp nên mỗi người trí đều có thể tự mình chứng ngộ. Đó mới thực sự là pháp học và pháp hành đúng nghĩa như Đức Phật khai thị. Pháp học chính là thực tại hiện tiền mà pháp hành cũng ngay nơi thực tại hiện tiền đó. Pháp thực tánh đang vận hành nơi mỗi người chính là pháp học để họ tự thấy ra, không cần tìm kiếm đâu khác. Khi thấy đâu là chánh pháp ngay nơi thực tại thân tâm liền sống
thuận pháp, đó là pháp hành. Không nên học theo cách bắt chước pháp chế định của người khác rồi áp đặt lên thực tại mà hành, vì pháp thực tánh thì có thể trực nhận ngay không qua phương pháp đòi hỏi thời gian nỗ lực áp dụng với mong cầu đạt được ở tương lai. Đó không phải là Pháp thực tại hiện tiền Đức Thế Tôn khai thị (Svākhāto Bhagavatā Dhammo) mà do những người mệnh danh “đạo sư”, “thiền sư”, “luận sư”… chế tác ra vô số phương pháp, vô số phương tiện dẫn dụ người khác theo mình tu luyện với chiêu bài đạt được lý tưởng mơ ước ở tương lai. Nhưng rồi hậu quả chỉ là phiền não, khổ đau, căng thẳng, thất vọng, thậm chí tẩu hoả nhập ma. Còn nếu có đạt được kinh nghiệm cục bộ nào đó thì cũng chỉ thêm ngã mạn, dính mắc, chìm đắm vào sở đắc của bản ngã mà thôi. Cho nên, chúng ta cần phải thấy pháp thực tại hiện tiền mà Đức Phật thật sự từ bi khai thị.
Trong lời Phật dạy, từ ngữ không quan trọng, đừng ngồi tìm nguồn gốc từng lời từng chữ mà phải thấy ra điều Ngài muốn khai thị là gì. Sự Thật Phật khai thị thì luôn ở ngay nơi mỗi người nhưng do không thấy nên Ngài phải chỉ cho mới thấy. Thí dụ, đang ngồi trước bình nước nhưng không biết đó là nước uống nên muốn tìm nước đâu để uống. Có người biết chỉ cho bình nước ở trước mặt thì liền thấy ngay, không qua thời gian, không cần tìm đâu xa chỉ cần nhìn lại là thấy, thấy chính nước đang hiện thực chứ không phải nước tưởng tượng nào khác.
Uống nước thì mỗi người liền tự biết, không cần nhớ lời mô tả, không cần nhớ tên gọi là gì… chỉ thấy nước, uống nước khi đang khát mới là điều thiết yếu. Khi Đức Phật khai thị, ai ngay đó thấy ra Sự Thật thì liền sống với Sự Thật ấy, nên mỗi người có thể tựthấy, tự trải nghiệm và chứng nghiệm, chẳng cần theo phương pháp chế định của ai khác để phải cố hành trì theo tiêu chí của họ đề ra.
Thứ nhất, chúng ta cần lưu ý điều này: Pháp luôn hiển hiện ngay đây. Ai có thể tự thấy thì không cần qua ngôn từ mô tả của người khác. Nếu chưa thấy mà có người chỉ thẳng không cần dùng lời cũng vẫn thấy được. Tại sao lại quan trọng hoá ngôn từ đến thế. Chấp ngôn từ thì chẳng phải không những tự đánh lừa mình mà còn lừa gạt người khác đó sao!
Thứ hai, khi Phật thuyết Pháp, chính âm thanh, cử chỉ, ánh mắt, tâm thái v.v… diễn đạt nhiều hơn lời nói, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cảm ứng tương thông giữa tâm Ngài với tâm người nghe lúc đó. Thí dụ đứa bé nghe chiếc máy lặp đi lặp lại câu “mẹ thương con…” đâu bằng chính người mẹ im lặng nhìn con với tình thương yêu thật sự, nó sẽ cảm nhận tình thương yêu đó ngay lập tức, không qua ngôn từ.
Người xưa nói “ba lần sao đã sai bản gốc” huống chi Kinh điển trải qua hàng ngàn năm truyền tụng tránh sao khỏi sai lệch, huống chi không ít nhà chú giải, các luận sư vốn gốc Bà-la-môn đã vô tình hay cố ý biến chánh pháp thành triết học hoặc tín ngưỡng xa rời tính thực tế và giản dị ban đầu mà Đức Phật khai thị.
Tóm lại, Pháp là Sự Thật, không phải ngôn từ. Theo ngôn từ rồi tạo ra khái niệm mà tu thì làm sao có thể thấy được Sự Thật! Cũng như đang đói mà nghe người khác kể món ăn ngon cách mấy cũng không thể no được, thậm chí chỉ làm đói thêm thôi. Cũng vậy, muốn chấm dứt luân hồi sinh tử thì phải biết luân hồi sinh tử là gì, không thể cứ ngồi phân tích ngữ nghĩa, luận giải Niết-bàn mà giác ngộ được!
Link đọc sách:KhaiThiThucTai